9 thg 1, 2012

6_1.2012: Triết lý kinh doanh thực tiễn - Nguyễn Đức Hải (Hai.law)

Triết lý kinh doanh thực tiễn

Tác giả: Matsushita Konosuke, người sáng lập tập đoàn Panasonic.

Hai chữ “kinh doanh” dường như đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Chúng ta dùng nó hàng ngày, tiếp xúc với nó hàng ngày, cũng đã từng học, từng đọc ở đâu đó định nghĩa về nó. Ngay cả tôi cũng vậy! Nhưng đến khi cầm cuốn sách “Triết lý kinh doanh thực tiễn” của Matsushita Konosuke, tôi mới như “ngộ” được hai chữ “kinh doanh”.


Cuốn sách đến với tôi như một cái duyên vậy! Trong khi chờ một người bạn, thấy gian hàng sách giảm giá, cảm xúc trào lên mãnh liệt (đã lâu không mua sách mà), nhưng lựa đi lựa lại mới chọn được cuốn sách mỏng dính chỉ hơn 200 trang, khổ giấy bé, nét chữ to, khoảng cách thưa và bìa sách lẫn tên sách đều không có gì đặc biệt. Giá của nó chỉ vẻn vẹn 14 000 đồng. Nhưng khi cầm nó lên đọc, mở những trang đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút bởi những dòng chữ đơn giản mà vô cùng sâu sắc.

Matsushita Konosuke định nghĩa: “Kinh doanh là hoạt động trong đó con người kết hợp với nhau vì hạnh phúc của con người”. Đây có lẽ là định nghĩa hay nhất về kinh doanh mà tôi từng đọc. Nó đơn giản, súc tích nhưng gợi lên trong tôi đầy cảm xúc. Tôi hiểu rằng, ý nghĩa thực sự của kinh doanh, của những người làm doanh nghiệp là khiến cho cuộc sống trở nên giàu có hơn, tốt đẹp hơn, là làm cho con người hạnh phúc hơn. Và qua việc làm đầy nhân bản ấy, chúng ta nhận được một phần thù lao tương xứng với công sức bỏ ra. Đó là “lợi nhuận”. Theo Matsushita, “lợi nhuận” là công sức, là trái tim, là sự sáng tạo, là mồ hôi, là nước mắt mà mỗi chúng ta kết tinh lại trong sản phẩm của mình để bán ra ngoài xã hội. Và công sức ấy, mồ hôi, nước mắt ấy càng nhiều thì “lợi nhuận” của chúng ta càng lớn. Đọc xong những trang sách này, tôi mới hiểu sâu sắc tại sao người ta lại khuyến khích chúng ta làm những công việc mình đam mê…

Kinh doanh là ngành nghề tạo ra rất nhiều giá trị cho xã hội. Nó phát triển con người thông qua việc tạo công ăn việc làm cho mọi người, nó tạo ra những sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của con người, và tạo ra nguồn thu cho quốc gia. Vì vậy, có thể nói, tầng lớp doanh nhân là tập hợp của những con người tuyệt vời và vĩ đại, chính họ mới thúc đẩy xã hội phát triển cho đến ngày hôm nay.

Còn rất nhiều điều Matsushita muốn nói trong cuốn sách này. Nhưng có lẽ, điều quan trọng nhất mà ông muốn mọi người hiểu trước khi làm kinh doanh, là phải có một triết lý kinh doanh đúng đắn, phải luôn tâm niệm rằng, làm kinh doanh là để tạo ra giá trị cho xã hội, làm con người hạnh phúc hơn. Nếu tâm niệm được như vậy, dù kinh doanh bất kỳ ngành nghề gì, bạn nhất định sẽ thành công!

By: Nguyễn Đức Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét